Monthly Archives: Tháng Mười Hai 2012

Đêm cuối năm

Tiêu chuẩn

Đêm cuối năm ở Cameron không có gì đặc biệt. Thậm chí các quán ăn ở trung tâm thị trấn còn vắng khách hơn mọi khi. Khách du lịch hình như về Kuala Lumpur để đón một năm mới lung linh hơn thì phải. Nhà nghỉ Daniels Lodge cũng vậy, chỉ lác đác vài phòng có người. Cái không khí lạnh lẽo vùng cao làm mình muốn tưởng đêm nay là đêm giao thừa của Tết Nguyên đán…

Tết Dương lịch, đã qua cái thời chờ đợi ngày này để được nghỉ làm 1 ngày, bây giờ thì ngày nào cũng là thứ bảy, chủ nhật hay là Tết tây. Nhưng… Mình không muốn hững hờ với thời gian. Vì trong thời gian có ba, có mẹ, có người anh, có cháu trai bé bỏng, có các dự định đẹp đẽ cho tương lai của mình… Đêm cuối năm nghĩ đến thời gian, nghĩ đến cái gọi là vĩnh cửu. Mọi thứ chỉ là vĩnh cửu khi người ta biết nâng niu quý trọng và giữ gìn. Không còn lo sợ và nghi ngờ “liệu ngày mai có phải là ngày vui ngày hạnh phúc?” Cứ yêu thương và sống hết mình cho nhau!

Ở đây B nhớ cả nhà thương yêu vô vàn! Mình cùng nhau tìm cái may mắn trong cuộc sống bằng con mắt lạc quan nhé. Mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Con yêu mọi người lắm!

Du lịch bụi Malaysia

Tiêu chuẩn

Đây là lần thứ ba đi Malaysia nhưng mình coi lần này là lần chính thức. Lần đầu tiên thực ra là ghé chơi ba ngày trên đường đi Bali, chỉ ở Kuala Lumpur mà thôi. Lần đó mình chả có khái niệm khám phá gì hết do đó “họ” dẫn đi đâu thì theo nấy. Lần thứ hai đi với đồng nghiệp trong một chương trình do phòng tổ chức, đi theo tour lại còn bị động gấp mấy lần, với lại mối quan tâm lớn nhất của dân tình là shopping, bởi vậy cái mình nhớ nhiều nhất là mấy khu thương mại lấp lánh khi đi theo dòm chị em mua sắm. Vậy là…lần này, ba tuần! khá dài đấy, để xem “Malaysia, truly Asia!” như thế nào nhé!

Khởi hành

2h30 sáng Joni đến đón hai đứa đưa ra sân bay Ngurah Rai – Bali, 3h30 đến nơi. Sân bay vắng lặng và chưa… mở cửa. (Cứ tưởng sân bay quốc tế thì phải hoạt động 24/24 chớ). Rải rác trong sảnh là các backpackers đang nằm ngủ trên sàn nhà. Tụi mình cũng xếp balo vào một góc và ngồi đợi…

20121230-112151.jpg

20121230-112327.jpg

Khoảng 4 giờ hơn thì khách xuất hiện dần đông và xếp thành hàng. Vô hàng thôi! Nhân viên sân bay gỡ sợi đai chặn ở các cửa để khách vào làm thủ tục check-in. Một đoàn các cô tiếp viên đỏ rực xuất hiện. Mình chẳng bao giờ quên ngắm các nàng. Tiếp viên của Air Asia trang điểm đậm như đi diễn trên sân khấu. Nhưng với mình thì các nàng tiếp viên lúc nào cũng đẹp lung linh, ngưỡng mộ. Đi cùng các nàng là một anh Tây gầy gầy dong dỏng, dáng dấp thư sinh yếu đuối. Mr. D hỏi ” Chẳng lẽ anh ta là phi công sao??? Hy vọng là không”, mình vội trả lời “Trợ lý, anh ta là trợ lý đấy!” :D

Thủ tục check in nhanh gọn. Hai đứa đi lên tầng trên làm thủ tục hải quan. Nhưng muốn đến được khu vực này thì phải nộp tiền nhé. Mỗi bạn 150.000rp.

Các quầy hải quan được thiết kế khá cao, phải ngang cổ mình ấy. Mr. D trình hộ chiếu xong xuôi ra đợi mình. Mình vừa làm thủ tục vừa liếc nhìn hắn thì thấy hắn đang lom khom làm điệu bộ chú lùn cố rướn người lên khỏi mặt quầy, mặt cười nhăn nhở, khỏi phải nhắc tui cũng biết chiều cao khiêm tốn của mình:)

Các quầy hàng miễn thuế bắt đầu lục tục mở cửa. Người ta cũng chú ý trang trí chào Giáng sinh nhưng không khí vẫn mang kiểu “cho có màu”, tuy nhiên cũng có một cây thông với những quả châu bắt mắt. Giáng sinh ở Bali, đúng là không hợp tí nào:)

20121230-112652.jpg

Mọi việc rất suôn sẻ ngoại trừ việc bị xếp ngồi tít mít hàng ghế cuối cùng và không có chỗ để đồ, phải nhét dưới ghế. Sao lúc nào cùng thế, hic hic. Mr. D sn ủi “Không sao, có hai tiếng đồng hồ thôi à!” Mình thì có sao, vì gần hai tiếng đồng hồ ấy hắn kê cái đầu nặng chịch trên cổ mình ngủ sung sướng:(

20121230-112827.jpg
Và rồi, bên dưới kia là Kuala Lumpur được bao quanh bằng dãy vườn cọ xanh. Máy bay hạ cánh. Mau mau ra lấy hành lý để về chốn đô hội thôi :D Từ sân bay tụi mình về KL Sentral bằng xe buýt Sky bus của Air Asia. Vé xe mua cùng vé máy bay 9RM.

Kuala Lumpur

The Original Backpacker Travellers Inn

Đó là hostel nằm trong khu phố người Hoa Jalan (đường Sultan)
Trong email xác nhận đặt phòng của tụi mình, Stevie đặc biệt nhấn mạnh việc có một hostel khác nhái thương hiệu hostel của ông, đó là Grocer Inn cách đó mấy căn. Stevie nhắc nhớ dòm cho kỹ kẻo vô lộn chỗ vì tên Grocer Inn cũng treo một cái bảng hiệu y chang Backpacker Travellers Inn, báo hại vài khách của Stevie lạc vô và …ở luôn đó. Bởi vậy ông Stevie phải mất công sơn thêm cái chữ “The Original (thật Gốc đây)” :) Buồn cười ở chỗ là trước đó mình đã hỏi thăm đặt phòng tại cả hai bên, hi hi, nhưng Grocer chỉ mail lại 1 dòng ngắn ngủi hỏi thời gian đến sáng hay chiều, trong khi Stevie trả lời rất chi tiết và xác nhận kỹ lưỡng. Bởi vậy, cũng hơi ấn tượng Grocer Inn có chất lượng hàng nhái:D

20121231-154712.jpg

20121230-113947.jpg

Cũng như nhiều khách sạn, nhà nghỉ khác ở Malaysia, ngay cửa ra vào là cái bảng nghiêm cấm mang… Sầu riêng vô. Tui để ý thấy dưới đường có cái xe bán sầu riêng hấp dẫn quá trời, vậy là sẽ có cảnh vừa đứng vừa ăn.

20121230-140005.jpg

Lúc nhận mail của Stevie, mình tưởng tượng ra đó là một anh người Hoa còn trẻ và sôi nổi. Hoá ra Stevie lại là một ông già có cái đầu trọc bóng loáng, nhìn khá nghiêm nghị. Bảng đăng ký của ông rất chi tiết: tên, quốc tịch, hộ chiếu, nghề nghiệp, địa chỉ nhà, nơi sẽ đi… Nhờ đó mình thấy có một bạn Mộng Lan làm Sales Manager nhà ở Huỳnh Tấn Phát q7, cũng ở đây trước đó mấy ngày :)

20121230-212017.jpg
Hai bên tường treo nhiều bản đồ du lịch, các gợi ý tham quan Kuala Lumpur và các nơi khác của Malaysia. Ấn tượng là loạt ảnh mấy kẻ lừa đảo trong khu China Town để khách biết mà dè chừng, còn có một cái khung gắn tấm ra trải giường cháy nham nhở để nhấn mạnh về vụ không được hút thuốc trong phòng

20121230-114305.jpg

Cái mình thích thú nhất là một loạt các thùng rác được phân loại khoa học. Bác Stevie nhìn cổ lỗ nhưng có suy nghĩ thật tân tiến.

20121230-114936.jpg

20121230-115643.jpg

20121230-210656.jpg

Hostel giá rẻ nên không trang trí gì đặc biệt, nhìn đâu mình cũng thấy đồ recycle (tái chế), như mấy cái hộp đựng tờ rơi quảng cáo được làm từ bìa cạc tông rồi sơn màu, bảng chữ chỉ lối đi lên bar sân thượng được cắt từ tờ lịch cũ nhưng vẫn đẹp mắt, nước flush trong toilet là nước mưa… Vậy mà chỉ càng làm tăng độ cảm tình vì mình yêu các ý tưởng tái chế tiết kiệm bảo vệ môi trường.

Ngoài vài phòng có phòng tắm riêng, đa số các phòng còn lại dùng chung nhà tắm. Mặc dù cũ kỹ nhưng rất rất sạch sẽ. Phòng tắm chung được dán lời nhắc nhở và…dạy dỗ tới các quý đàn ông chú ý giữ cho toilet sạch sẽ để các quý cô cảm thấy vệ sinh và an toàn khi dùng nhà tắm:D

Dù sao thì bác Stevie cũng là dân Tàu…thâm, hi hi, vì trước quầy tiếp tân bác dán liên tiếp mấy tờ cảnh báo “Tại sao bạn không nên ở Guest House Oasis” in các nhận xét của khách có lẽ lấy ra từ Tripadvisor. Cái nhà nghỉ Oasis ấy đến phá sản mất. Mà…có lẽ chưa có khách nào phàn nàn về Grocer Inn nếu không thì mấy bức tường kia sẽ không đủ chỗ để dán mấy lời chê:)

— hình Jalan Sultan xưa và nay—

20121230-135612.jpg

20121230-140341.jpg

Tàu điện

Phương tiện rẻ tiền và tiện lợi. Có 4 công ty khác nhau vận hành các tuyến. Bản đồ tuyến trông chằng chịt nhưng không khó để định hướng đi. Tàu nào cũng vận chuyển trên các đường ray dựng trên cao, chỉ có các trạm ga là ngầm dưới đất. KL Sentral là ga lớn nhất. Một ga quen thuộc của tụi mình là Pasar Seni vì gần khu phố người Hoa. So với cách đây hai năm thì có vài thay đổi. Tàu trông mới đẹp hơn. Vé hồi trước là tấm thẻ thì bây giờ là đồng xu bằng nhựa. Giá rất rẻ từ 1RM đến 1.2RM (đi nội trong trung tâm Kuala Lumpur). Mua thẻ từ máy, chọn tuyến nhét tiền vào máy (chỉ chấp nhận tiền xu với tiền giấy dưới 10RM, nếu không có thì ra quầy đổi), nhận xu nhựa. Sau đó qua cổng bằng cách áp đồng xu ở mặt trên cổng cho hệ thống nhận biết mở cửa cho vào. Lên tàu, đến nơi đi ra cổng nhét đồng xu vào khe, thế là cửa mở.

20121230-140621.jpg

20121230-140735.jpg

20121230-120244.jpg

20121230-140916.jpg

Mình thích đứng nhìn thiên hạ ở các ga tàu điện vì ở đây thể hiện rõ nhất sự đa dạng sắc tộc của Malyasia nhất. Bốn màu da với trang phục khác nhau đi lại tấp nập vội vã cùng những chuyến tàu. Màu da trắng mịn của người Hoa, màu da đen cùng khuôn mặf trang điểm cầu kỳ, váy áo sặc sỡ của các cô gái Ấn Độ, màu da vàng nâu của người Hồi giáo Malay kín mít trong khăn choàng che tóc, cả những phụ nữ Ả Rập đẫy đà trong bộ áo đen che kín toàn bộ cơ thể chỉ hở đôi mắt bò tuyệt đẹp. Điều đáng buồn cười là trên tàu ai nấy cũng chúi mũi vào Iphone, Samsung (mà Samsung hình như chiếm thế mạnh hơn). Đâu đâu cũng thế không chỉ Malaysia nhỉ? Thế giới này đang nói chuyện với nhau hoặc bày tỏ mình qua mấy cái màn hình nho nhỏ đó…không cưỡng lại được.

China Town

Ở trong China Town mà không nói về nó là không được. Với lại đây là một trong các điểm du lịch nổi danh của Kuala Lumpur. Tụi mình ở căn phòng có ban công ngó ra đường. Từ đây nhìn xuống con phố lúc nào cũng ồn ào tấp nập quán xá ăn uống. Cứ nhắc tới là cổ họng muốn nhúc nhích, toàn món ngon thôi! Đi dạo vòng vòng qua mấy khu phố tự nhiên thấy thân thân quen quen. Dầu sao thì khi ăn người ta bày cho đôi đũa, kêu china tea thì thấy ly trà đá như ở Sài Gòn, mua xoài hườm ăn hỏi thím có muối không, thím trút cho miếng muối vô bịch (mặc dù muối mà lại ngọt, hi hi) thấy giống đang đứng trước cổng trường Ten lơ man quận 1 ghê, cơm gà thơm ngát nữa chứ… Rộn ràng nhất là đường Petaling với khu chợ đêm tấp nập, đủ thứ hàng hoá trên đời và các món Tàu. Ở đây mình mua được cái vỏ điện thoại giả da đẹp với giá 18RM giống y trong mall bán giá 35RM (mà anh chàng bán hàng trẻ măng láu cá ra giá cho mình 49RM). Lang thang ở đây tự nhiên nhớ hai cô bạn thân thiết hồi xưa cùng nhau háo hức đi chợ đêm ở Chiềng Mai. Ngoài ra một điểm khác là chợ trung tâm Pasar Seni, hàng hoá phong phú bày biện đẹp chứ không nhốn nháo như chợ đêm, giá cao hơn. Trong chợ này có chú người Ả Rập vẽ tranh cát trong chai nhanh như chớp và đẹp mê. Cách chú vẽ rất thông minh, trộn màu và vẽ tranh bằng các ống phễu nhọn khác với nghệ nhân Ý Lan dùng muỗng múc cát rồi tỉ mỉ đổ vào. Mình thấy cách của chú này đỡ mất thời gian, ít bị hư hại so với cách dùng muỗng, sai một tí là phải làm lại từ đầu. Mà…chú này chỉ có vài mẫu, có lẽ thực hành hoài nên chú thuộc làu từng bước mới làm nhanh và chính xác như thế. Dù sao thì cũng là màn trình diễn đẹp!

20121230-141149.jpg

20121230-141333.jpg

20121230-141726.jpg 20121230-141834.jpg

20121230-145232.jpg 20121230-145427.jpg

Ẩm thực

Nhiều sắc tộc vậy nên ẩm thực phải rất phong phú. Vậy mà tụi mình chỉ tập trung hai loại: món Hoa cho mình và món Ấn cho Mr.D (trưa Hoa thì tối Ấn và ngược lại:))

Món Hoa thì khỏi phải nói, nhan nhản trong khu phố. Ngay dưới cầu thang là một tiệm to rồi. Jalan Sultan có các tiệm nổi bật chuyên (không biết tên vì đa phần là tiệm di động khoảng 3h chiều mở, 12h đêm dẹp): lẩu que sate (rau, nấm, thịt, bò viên, gà, hải sản…); cơm niêu gà, cá nướng giấy bạc, mì đủ loại, vịt quay, gà quay, heo quay…ta nói lúc nào tấp nập không ngớt người ăn, đủ màu da. Các con đường khác cũng vậy. Mình thích ăn món Hoa (không dầu mỡ mấy đâu) vì hợp khẩu vị, quan trọng hơn là nhìn họ nấu như múa, nghe họ nói tiếng Anh líu lo giọng Tàu (lah lah), họ quát tháo nhau, hi hi, thật sống động, ồn ào vất vả nhưng rất rõ ràng ai đâu việc đó.

20121230-144108.jpg 20121230-144255.jpg

20121230-144440.jpg

Mr. D mê món Ấn vô cùng. Bởi vậy ngày đầu tiên đặt chân đến KL là hắn dẫn mình đi ăn đồ Ấn ngay. Quán nào cũng biết. Các quán ăn Ấn Độ ở KL (gọi là mamak) gợi cho mình nhớ đến các quán Masakang Padang ở Bali hơn là các quán chuyên món Ấn. Mr.D bảo Ấn này là Ấn Malaysia chứ không phải Ấn Độ thuần. Họ bày thức ăn ra nhiều khay, chủ yếu là các món gà, cừu, thỉnh thoảng cũng có thịt bò. Tất cả được nấu với nhiều loại nước sốt khác nhau nhưng điểm chung là rất nhiều gia vị. Dùng món nào cũng nồng nàn mùi gia vị: mùi hạt cải, cumin, cà ri, ớt, hương hồi…vì người Ấn Độ không muốn ngửi thấy mùi thịt. Bên cạnh đó có các loại rau, các loại nước sốt khoai tây, ớt, sốt làm từ rau gì chua chua thơm thơm trộn gừng… Mình rất thích món cà tím sốt kiểu cay cay chua chua và món canh chứa rất nhiều thảo dược :) trong đó, cô bán hàng bảo uống cho khoẻ người. Đặc trưng nhất là món gà Tandori được tẩm gia vị gì có màu đỏ hồng nướng lên (mr. D nói các gia vị được trộn với da ua qua một đêm rồi mới ướp gà), món bánh Naan nướng với phô mai hoặc trứng, tỏi chấm nước sốt. Bánh này được các anh Ấn Độ vo từ bột gì không biết, sau đó cán dẹt, gắn vào thành cái lu và nướng bằng sức nóng của cái lu đó. Ở khu Bangsar nổi tiếng về hàng quán ăn uống có hai tiệm chuyên món Ấn bày trên lá chuối, lúc nào cũng đông khách nườm nượp. Vô quán Ấn ngoài việc thử các món ăn, mình còn khoái dòm (lén thôi) mấy anh chị người Ấn ăn bằng tay phải. Dân Muslim Malaysia, dân Indonesia cũng ăn bằng tay, mà một tay thôi nhé, cấm dùng tay trái vì tay này được cho là…dơ:) Tuy nhiên mình thấy phục dân Ấn hơn vì món nào cũng sệt nước sốt màu đỏ màu vàng, cái tay họ múa nhào nặn liên hồi, vo viên cơm cộng thức ăn và “ném” vào miệng. Không dễ chút nào! Mình thử làm ở một quán muslim Bali nhưng chịu thua, thử nghĩ bạn chỉ xé thịt gà với 5 ngón tay phải không thôi đi, còn quá trời ớt cay xè nữa, hi hi, cộng thêm cảm giác khó chịu vì cái tay cứ nhớp nháp.

20121230-144609.jpg 20121230-144721.jpg

20121230-144905.jpg

20121230-211308.jpg 20121231-152550.jpg

Giá cả dễ chịu từ 5-12RM/món. Thức uống thì khoảng 1.5-4 RM

Bảo tàng quốc gia

Vé vào bảo tàng 5RM/người nước ngoài
Mình nói “Ồ, đây là bảo tàng ấn tượng nhất mà mình từng đến” Mr.D nhìn mình thông cảm, hắn biết mình chỉ mới đi bảo tàng của 3 đất nước, Việt Nam, Indonesia và Malaysia, hi hi!

Đáng chú ý nhất là các bộ khay hộp đựng đồ ăn trầu. Đẹp tuyệt! Trước đây mình ngây thơ (hay ngây ngô) tin là chỉ có Việt Nam ta ăn trầu bởi vậy mới có chuyện nhà anh em họ Cao. Ai ngờ, ngày đầu tiên bước vô chợ Bali thấy Ibu bày bán đầy đủ: cau, trầu, vôi và sợi thuốc. Bây giờ trong bảo tàng dân Mã Lai người ta bày mấy bộ đồ ăn trầu của các bà hồi xưa sao mà lộng lẫy. Mà các bà này là quý tộc, chứ thường dân có lẽ cũng có bộ ăn trầu mộc mạc như của bà ngoại mình :)

20121230-212618.jpg

20121230-212723.jpg

20121230-212956.jpg

20121230-213101.jpg

20121230-213612.jpg 20121230-213523.jpg

Cái đáng chú ý thứ hai trong bảo tàng này là cái trống đồng Đông Sơn. Mình hơi nóng mặt nghĩ “trời, không lẽ vụ trống đồng này cũng giống vụ ăn trầu hả? đâu cũng có hả?” May thay, trên tấm bảng người ta ghi chú thật kỹ “bắt nguồn từ Việt Nam”, thật là khoái! Còn nữa, người ta mô tả các kiểu mai táng ngày xưa, trong chum, trong ruột cây, trong đá tấm, có một kiểu phát triển nhất là trong quan tài gỗ, phía trên có đặt cái trống đồng Đông Sơn, tinh tế chưa, họ ghi rất rõ là làm theo Việt Nam đấy!

20121230-214252.jpg 20121230-214344.jpg

Cái chú ý thứ ba là vụ bản đồ Đông Nam Á khoảng năm 1850, thời Malaysia bị chiếm cứ bởi dân Hà Lan. Mình dòm mảnh đất hình chữ S thì thấy chúng nó gọi Việt Nam lúc bấy giờ là Cochin China, bực thế!

20121230-214821.jpg

KLCC

KLCC trong mùa Giáng sinh thật tấp nập khách mua hàng. Nếu so sánh không khí Giáng sinh giữa KL và Sài Gòn thì mình thấy Sài Gòn lung linh náo nhiệt hơn. Có lẽ vì dân Sài Gòn luôn háo hức chờ những khu thương mại lớn trang trí thật đẹp để đi chụp hình :), thành một cái lệ hàng năm luôn. Thử lên FB dạo một vòng sẽ thấy:)

20130102-193204.jpg 20130102-193258.jpg 20130102-193341.jpg

20130105-094648.jpg

Thành phố mới Putrajaya

Chà, hoá ra chàng D. chưa tới Putrajaya bao giờ. Tìm kiếm trên net có ba cách để ra trung tâm hành chính mới của Malaysia chơi:
– Đi bằng tàu điện tuyến về sân bay quốc tế KLIA, ngang qua trạm Putrajaya Sentral thì dừng lại, đi xe buýt hoặc taxi 5km thì vô trung tâm. Tiền vé 9RM.
– Đi bằng xe buýt Express gì đấy 5RM cho cả ngày di chuyển. Hấp dẫn!
– Ra trạm Pasar Seni đón xe buýt số 68 (khu E), giá vé 3.8RM cũng chạy thẳng về Putrajay Sentral

Mình ưa cách hai nhưng không mò ra cái xe buýt ấy ở đâu, thế là chuyển sang cách ba.

20121230-220316.jpg 20121230-220412.jpg

Gần 11h trưa hai đứa lót tót đi ra trạm, hỏi han liên tiếp mấy bác tài thì mới biết cái khu E1 nằm phía bên kia toà nhà My Din, lên xe mua vé là bác tài cho chuyển bánh luôn. Xe đi khoảng 30p thì đến Putrajaya Sentral. Trời có vẻ muốn mưa. Tụi mình đi vô trung tâm bằng phương tiện quen thuộc: ô tô bước:) Hai bên các tuyến đường người ta xây dựng nhiều khu chung cư đều đặn tăm tắp. Rất nhiều nhà treo cờ ngoài ban công. Noel mà treo cờ chi vậy? Mr. D phán có lẽ chủ nhà làm việc cho bộ nào trong chính phủ nên treo cờ nịnh nọt. He he. Chẳng mấy chốc là đến cây cầu xinh đẹp. “Ơ, đâu phải 5km hả?” Mr. D gật gù “2Km là cùng, dân Mã Lai lười đi bộ nên nói quá”. Trời âm u, Mr.D vái trời đừng mưa để còn chụp hình. Vậy là mưa! Như trút, xối xả! Cây dù mang theo nhỏ quá không đủ che. Hai đứa chạy xuống… gầm cầu đứng, bàn chuyện nếu mơi mốt có tiền đi châu Âu thì nên đi đâu, ha ha, lãng xì mạn gứm.

20121230-220801.jpg 20121230-221457.jpg

Qua khỏi cầu là đường lớn dẫn vào khu trung tâm hành chính với các bộ ngành quan trọng. Phía bên trái là hồ nước lớn êm đềm, nổi bật trên nền trời là đền thờ Hồi giáo màu hồng thật đẹp. Ở bên đường có cái trạm lầu làm nơi ngắm cảnh hồ, chụp ảnh đền. Liên tiếp mấy cái xe buýt đỗ xịch thả khách xuống, mau mau leo lên, mau mau chụp ảnh, mà quơ máy tới đâu cũng dính người. Khách đi du lịch theo tour trông giống như đàn cừu, được lùa lên lùa xuống, không kịp thưởng thức chi nhiều, chủ yếu là đưa máy ảnh bấm tách tách không kịp biết hình có đẹp không nữa.

20121231-153057.jpg

Đền thờ màu hồng này mình đã đến cùng đồng nghiệp năm 2010. Nếu không phải trong giờ làm lễ thì khách có thể vô sân tham quan. Khách nào cũng phải mặc một cái áo khoác dài kín chân, có mũ che đầu tóc. Nhưng cũng chỉ được đứng trước cửa sảnh cầu nguyện ngó vô thôi. Phía dưới đền sát hồ có khu ăn uống tấp nập, nhiều món ăn ngon phục vụ khách du lịch và các tín đồ sau giờ đọc kinh

20121231-153628.jpg 20121231-153710.jpg 20121231-154418.jpg

20121231-153935.jpg

20121231-154226.jpg 20121231-154248.jpg

Ấn tượng về Putrajay là một thành phố hiện đại, sạch đẹp, khá vắng lặng, nhưng sao nhiều quạ thế! Không chỉ Putrajaya mà cả KL nữa, có nhiều cái cây trong thành phố quạ đậu kín kêu inh ỏi. Nhờ đến Putrajaya mới thấy cô dâu Hồi giáo xinh đẹp như thế nào:). Vì đi bộ nên mất nhiều thời gian chưa dạo qua được cái đền thờ Hồi Giáo màu trắng lộng lẫy. Hẹn lần sau vậy. Hai đứa về lại Putrajay Sentral mua burgur bò lót dạ, rồi mau chóng lên xe buýt về lại thủ đô đầy xe và khói bụi:)

Thời gian ở KL gần 10 ngày mà chả đi đâu mấy vì hai đứa mắc bận công chuyện. Còn quá trời nơi muốn đi nữa: đền thờ Hồi Giáo quốc gia (đến nơi mà phải ngậm ngùi về vì trúng giờ cầu nguyện), ưa đi coi phim tình củm ở 1 nước Hồi giáo để coi họ cắt hết mấy đoạn cầm tay, hun hít ra sao :D, ưa leo lên toà tháp đôi thì mới biết từ tháng 6 họ áp dụng phí 80RM/người (mắc quá, hu hu), ưa đi coi bảo tàng nghệ thuật, ưa vô mấy cái chùa người Hoa có nhiều tượng nhân vật giống như phim Phong Thần, ưa vô cả đền Hindu của người Ấn nữa… Nhưng khi xong việc là Mr. D ưa thoát khỏi KL ồn ào bụi bặm liền để lên cao nguyên Cameron… Vậy là tụi mình đi!

Chào nhé, ngôi nhà nhỏ!

Tiêu chuẩn

Ngày 19 mới đi nhưng mình đã bắt đầu lụi hụi gói ghém hành lý từ hai hôm trước:) Mr. D bảo “có người không thể chờ lâu hơn nữa để thoát khỏi chốn này ha?” Ai bảo thế, mình thích ngôi nhà nhỏ mà. Nhiều kỷ niệm ngọt ngào và …cay đắng:) Thế mới nhớ nhau chứ! Mà có ra khỏi nơi này mới khẳng định được có phải mình dị ứng với môi trường xung quanh đây không chớ. Thiên nhiên thiệt tươi đẹp mà cũng đầy nguy hiểm. Làm sao quên được các buổi trưa với tiếng chim cuốc cuốc não nùng, tiếng chim cu gáy rúc gù gù, hay tiếng mấy con chim gì đó cãi nhau chí choé. Và những cơn mưa. Ngồi ở bên này nhìn rõ mồn một mưa đang rào rào đến từ phía bên kia, đôi khi mưa dừng lại ở giữa thung phải hai phút như bức mành khổng lồ. Đối với mình đó là sự diệu kỳ kỳ diệu, lúc nào cũng la ầm ầm vì sợ Mr. D chạy ra coi không kịp, mưa y như nhân tạo. Các buổi tối thì xem cả nhà tắc kè ăn tiệc ở cửa sổ. Hai vợ chồng ấy thi nhau đớp lia lịa phải cả trăm con mối khờ khạo bay vào nơi có ánh sáng. Con của hai anh chị cũng quanh quẩn gần gần đó, không dạn dĩ như ba mẹ. Thỉnh thoảng lại có một chàng đom đóm lập loè ngay cửa sổ, mình cứ lo hùi hụi sợ tắc kè ăn mất chàng đẹp trai, còn Mr. D thì sướng mê vì chắc là lần đầu tiên trong đời được nhìn thấy đom đóm gần như vậy:D Nhớ cả những đêm trăng tròn nữa. Bắt đầu là một vầng to vành vạnh màu vàng cam huyền hoặc lưng lửng dưới trời. Sau đó trăng bay lên cao như đụng nóc bầu trời, chuyển màu sáng trắng chơi vơi… Còn cả những buổi trưa mời bạn đến chơi, cùng nhau ngồi ngoài ban công ngắm màn cây xanh nói chuyện mãi không dứt… Nhưng đây cũng là nơi làm mình thấy khổ sở nhất, lúc nào cũng bứt rứt lo sợ mấy con mằn hăn (nyinyi) bé xíu mà nguy hiểm. Dù có đốt hương chống côn trùng hay tinh dầu sả chanh cũng không tài nào xua tụi nó đi được. Còn đám muỗi đáng ghét nữa. Cái lũ này chỉ đốt tui thôi à, còn Mr.D thì bọn chúng cho qua. Lại còn bị dị ứng không khí hay gió ở đó nữa chứ. Tóm lại trên người lúc nào cũng đầy dấu vết côn trùng đốt hay dị ứng. Đến nỗi trong ba tuần cuối lúc nào mình cũng phải đóng kín cửa tránh kẻ thù. Mr.D ngao ngán, sao có người có thể sống trong hang hốc như vậy chứ, ngoài kia thiên nhiên tươi đẹp quá trời! Yesss, nhưng, đừng quên là thỉnh thoảng thiên nhiên lại gửi vào nhà vài chú bọ cạp to to, oai oai nữa đấy, hic hic… Nhớ ngày mới chuyển đến, mình mê ngôi nhà nhỏ nhiều như thế nào:(

Thế đấy, tình yêu không vĩnh cửu, đặc biệt là tình yêu sét đánh. Người ta sẽ rất mau nguôi ngoai niềm yêu đương mãnh liệt ban đầu, và cũng rất mau chóng phát hiện thói hư tật xấu của nhau. Một khi không tài nào lùi yêu đương thành yêu thương mà lại thành nỗi thất vọng, không điều chỉnh bản chất và nhường nhịn nhau nữa thì tất yếu phải chia tay thôi. Tình yêu của tui với ngôi nhà nhỏ là thế. Tui phải ra đi…và chắc là không quay trở lại. Nhưng, Mr.D à, em không ghét ngôi nhà nhỏ, chỉ là giải thoát cho nhau thôi, trước khi sự bức bối biến thành sự ghét thực sự. Và…nhờ đó, ký ức đẹp sẽ nhiều hơn:)

Chào nhé, ngôi nhà nhỏ!

Spaghetti tỏi nhanh nhanh – ngon ngon

Tiêu chuẩn

Post cái ni cho bạn Mai cuả miềng. Hai đứa đi quán Floramisu hai lần, lần mô cũng kêu Spaghetti (ơ mà hình như quán đó chỉ có hai món mặn mà cái món kia lúc nào cũng hết, còn lại toàn là bánh ngọt, ngon quá trời)

Mr. D bảo đi quán mà gọi Spaghetti là sao? Món dễ làm nhất mà rẻ nữa:), kệ tụi tui chớ!

Mà dễ làm thiệt mi, nhanh nữa, mất khoảng 15p là xong

Nguyên liệu: cho 2 dĩa mì to
– Một gói mì Spaghetti
– 1 cục phômai cheddar (như cục trong hình có thể sử dụng một nửa thôi, thích ăn nhiều thì bỏ thêm), mài bằng cái mài sắt thành phô mai vụn
– 2-3 muỗng canh dầu olive
– 2 muỗng cà phê muối
– 1 nhúm hạt cumin hoặc caraway (giống trong hình, mua ở chợ Bến Thành sạp anh Hai, gia vị gì cũng có)
– Rau húng hoặc bạc hà
– Một củ tỏi

– Xốt cà chua (ketchup)

– Salat ăn kèm cho vui: Nửa trái hành tây cắt nhỏ, 2 trái cà chua cắt nhỏ, 2 muỗng cà phê giấm, 3 muỗng cà phê đường, 1 muỗng cà phê muối, trộn lại, nêm nếm vừa miệng, để trong tủ lạnh 30p

S3  s2  s10  S5  s8

Thực hiện

Nấu nước sôi, cho muối và hạt cumin vào, sau đó cho mì vào luộc chín (sao cho sợi mì vừa chín không bị cứng). Mì sẽ có mùi thơm của cumin :)

s6

Cho chút xíu dầu thường (hoặc olive)vào chảo, phi tỏi thơm, rồi cho mì đã luộc chín vào, đảo nhanh, rưới thêm dầu olive để sợi mì không dính với nhau. Cho thêm rau húng/bạc hà cắt nhỏ vào, đảo sơ và bắc xuống

s7

s9

Cho mì ra dĩa, rưới ketchup, rải một lớp phômai lên và xơi thôi! Nhớ làm nghe mi :D

S1

Những ngày mới

Tiêu chuẩn

Em vẫn tin vào những ngày mới
Được vẽ trong tim
Là hiện thực

Vô vàn bức tranh nhỏ
Bay chấp chới như đàn bướm
Em sẽ đóng khung từng phác thảo
Được lên màu đầy đủ
Treo trên bức tường
là hiện thực…

Những ngày mới
Có chiếc xích đu nhỏ trong vườn nhà
Chiếc áo em đan
Cây xoài chín toả hương
Những nụ hôn không bao giờ dứt
Những con đường xa ngái
Bàn tay luôn trong bàn tay
Nụ cười háo hức
Chờ ngày mai
Trái tim bừng cháy
Cả trong hạnh phúc lẫn nỗi buồn bất chợt…
Là bất chợt yếu đuối thế thôi…
Bức tranh nào không mảng tối?

Chào ngày mới
Hãy cùng em đi
Em sẽ không quên ngày hôm nay
Và ngày hôm qua…

Làm thế nào tự đổi bằng lái xe quốc tế không qua dịch vụ

Tiêu chuẩn

Mình đã rất rối khi biết Việt Nam không cấp bằng lái xe quốc tế. Tìm kiếm trên mạng thì thấy rất nhiều dịch vụ chuyển đổi bằng lái xe quốc tế với giá 200$-300$. May thay, sau một hồi lần mò mình mới biết cách làm nhanh gọn và không tốn kém mấy. Bằng lái này đã được mình trình cho mấy anh cảnh sát Indonesia mấy lần và không gặp chút rắc rối nào. Mình tin là cũng sẽ ổn tương tự ở các nước khác.

Thực ra bằng lái xe quốc tế chỉ là bản dịch sang tiếng Anh của bằng lái xe gốc của bạn. Nó giúp bạn giải quyết khó khăn do rào cản ngôn ngữ nảy sinh khi bạn trình bằng lái cho cảnh sát nước ngoài. Trước hết bạn bắt buộc phải có bằng lái gốc và dĩ nhiên còn thời hạn sử dụng.

Có một số tổ chức chuyên dịch bằng lái, một kiểu giống như công chứng quốc tế. Bạn có thể chọn một trong hai công ty sau:
http://idl-iaa.com/
Hoặc http://www.aaa.com/PPInternational/International.html

Trong 2 website trên họ hướng dẫn rất chi tiết những lựa chọn (xe máy, xe hơi? Thời gian bạn muốn hiệu lực 1 năm, 3 năm, 10 năm? Cách chuyển phát cho bạn nhanh hay thường?…) với các mức phí tương ứng.

Với IDL-IAA (international driver license – international automobile association), mức phí cao nhất là 50$ cho thời hạn 10 năm, thấp nhất là 30$ cho thời hạn 1 năm
Với AAA (the American Automobile Association), chỉ có một mức phí 15$ cho thời hạn 1 năm, không thấy các mức khác.

Mình đã chọn IDL-IAA, áp dụng cho thời hạn của bằng là 3 năm, trả phí 40$ cộng thêm 5$ chuyển thư quốc tế thông thường. Bạn chỉ cần điền vào mẫu đơn điện tử có sẵn trong trang web, địa chỉ chính xác để họ gửi bằng về, đính kèm cho họ hình thẻ, scan chữ ký, scan bằng lái gốc (hai mặt), thanh toán và nhấn nút submit là xong. Lúc đó, mình khá run vì lỡ ra đó chỉ là các website lừa đảo thì mất tiền nực cười quá. Submit rồi mà chẳng thấy ai xác nhận cho cả, mình gửi email hỏi thăm cũng không có trả lời. May thay khoảng 10 ngày sau mình nhận được thư gửi về nhà bao gồm một thẻ nhựa in ảnh của mình và các thông tin như trên bằng gốc bằng tiếng Anh, một cuốn sổ nhỏ cũng có dán thông tin tương tự cộng thêm các quy định về các hạng xe A, B, C, D, E được in bằng 8 thứ tiếng (Anh, Pháp, Nhật, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Nga, Đức, Ả Rập). Bằng này có thể áp dụng ở gần 200 quốc gia. Lưu ý đây chỉ là bản dịch nên luôn luôn phải mang kèm theo bản gốc (thực tế mấy anh chàng cảnh sát Bali chẳng thèm để ý cái bằng gốc này:))

20121209-180704.jpg

Các công ty Việt Nam tự nhận là đại diện của 2 công ty Mỹ trên lấy mức phí rất cao (ngay khi họ giảm giá khuyến mãi vẫn cao hơn nhiều so với giá đúng). Thực tế mình thấy cả AAA và IAA đều chẳng có đại diện nào ở Việt Nam. Các công ty Việt Nam chỉ làm những gì y hệt như mình đã làm ở trên và ung dung nhận tiền lời từ khách hàng mà không mất một đồng vốn nào. Các bạn nghiên cứu kỹ để tự làm nhé, tránh mất tiền vô ích:). Chúc may mắn và lái xe an toàn ở nước ngoài!!!

Kinh nghiệm du lịch bụi Bali (phần 1)

Tiêu chuẩn

Cách đây 4-5 năm gì đó khi nghe nhắc đến Bali, mình nghĩ ngay đến bom, khủng bố và sóng thần:D, đồng thời cũng biết hòn đảo này nổi tiếng là thiên đường du lịch. Báo chí hay đăng tin diễn viên Holywood này làm đám cưới ở Bali, tỉ phú kia đi nghỉ ở Bali… cao sang dễ sợ:) Vậy mà cũng có ngày mình đi Bali, hi hi, và thấy Bali hiện tại không nguy hiểm chút nào, và cũng không quá cao sang cho những người mê du lịch mà không phải đại gia:)

Vì là lần đi thứ hai nên mình không bỡ ngỡ mấy. Nhưng nhớ lại lần đi đầu tiên khi tìm hiểu về kinh nghiệm du lịch bụi ở Bali trên internet, mình đã không tìm kiếm được nhiều. Theo mình đoán hình như số người Việt Nam đến Bali còn khiêm tốn và không ở lâu (mình hay hỏi các nhân viên khách sạn, nhà nghỉ, quán ăn, nhân viên bán vé điểm tham quan mà mình đến là đã gặp người Việt Nam nào tới đây chưa, mới có một nơi trả lời là có, còn lại toàn lắc đầu). Không chắc là đoán đúng vì biết đâu bà con ăn nghỉ ở những nơi cao cấp quá, làm sao mình biết được:) Vì vậy các kinh nghiệm nhỏ mình chia sẻ sau đây chủ yếu cho các bạn yêu thích du lịch bụi, ngân sách vừa phải, thích tự sắp xếp chuyến đi, có thời gian lang thang hơi dài và ưa thử thách mạo hiểm một chút.

1. Visa:
Với các bạn đi chơi ít hơn 30 ngày thì không cần quan tâm đến visa, vì cũng như nhiều nước Đông Nam Á khác Indonesia miễn visa cho thời gian du lịch 1 tháng.
Đi hơn 30 ngày thì phải đi làm visa rồi! Thủ tục cũng khá đơn giản. Nhưng khả năng được duyệt thì khá hên xui:) Đặc biệt phụ nữ hay bị hỏi han đủ thứ (đi qua đó làm gì? Đi chơi sao đi lâu vậy? Đi với ai? Nếu có đi với ai thì quan hệ như thế nào?v.v…) do cái thành kiến ngu ngốc là các cô gái VN xuất ngoại đi làm nghề xấu. Các bạn ở Sài Gòn nộp hồ sơ tại lãnh sự quán Indonesia số 18 Phùng Khắc Khoan, Q1 :
– Hộ chiếu còn thời hạn sử dụng trên 6 tháng
– Các vé máy bay đi và về (quan trọng để họ quyết định nhanh vì thấy bạn không có ý định ở lại)
– Đơn xin cấp visa (do nhân viên lãnh sự phát)
Đối với vé máy bay, đặc biệt là vé chuyến về, nếu bạn e là mua vé rồi mà không được duyệt như vậy sẽ mất tiền huỷ chuyến hoặc đổi ngày, thì bạn lấy xác nhận đặt vé và trình cho nhân viên lãnh sự. Sau đó nếu ổn rồi thì hẵng mua:)
Phí cấp visa là 45$, thời gian cấp 1 tuần lễ

2. Vé máy bay :
Không có chuyến bay thẳng từ Việt Nam đến Bali mà phải quá cảnh hoặc ở Kuala Lumpur (Malaysia) hoặc ở Jakarta (Indonesia)
Mình toàn quá cảnh ở Kuala Lumpur. Để có giá rẻ nên đặt trước 3 tháng, giá tốt có khi chỉ khoảng 3,5tr cho 1 chiều Việt Nam- Malaysia – Bali (đi với Air Asia http://www.airasia.com)
Nếu không mua được vé bay đi Bali ngay trong ngày đến Kuala Lumpur thì bạn có thể đặt phòng khách sạn Tune của Air Asia ngay tại sân bay KLCC nghỉ một đêm, chờ hôm sau bay tiếp. Còn không thì có thể về trung tâm Kuala Lumpur chơi mấy ngày nhỉ:)?

À, đi chơi rồi ra về cũng phải trả tiền cho người Indo nữa :) Nếu bạn bay ra khỏi Indonesia từ Bali thì bạn phải nộp 150.000 rupiah tại sân bay. Không chấp nhận các loại tiền khác nghe. Do đó, nhớ để dành tiền rupiah mà hồi hương nhé! Nhưng nếu bay ra khỏi Indonesia từ Jakarta thì chỉ trả có 50.000 rupiah thôi. Bạn tính toán mà mua vé chặng Bali-Jakarta-Hà Nội hoặc Sài Gòn sao cho có lợi nhất nhé

3. Đổi tiền
Tỷ giá đồng rupiah là 1IDR ~ 2.4 VND
Bạn mang USD và đổi sau đó ở Bali cũng được, nên đổi tiền ở điểm đổi tiền của ngân hàng được uỷ quyền vì tỷ giá tốt hơn, ví dụ như điểm đổi tiền của công ty PT Dirgahayu Valuta Prima màu xanh (xem hình) Tỷ giá tham khảo hiện nay 1USD ~ 9.460 rupiah ( nếu những tỷ giá này không thay đổi lớn thì đổi tiền ở Bali lời hơn chút chút nhỉ?)
Tỷ giá ngoài các điểm đổi tiền chợ đen cho 1USD thường dao động từ 9.000-9.200 rupiah

Tờ 10.000 rupiah với 100.000 rupiah hao hao giống nhau. Cẩn thận kẻo trả tiền nhầm đó:)
br />;
20121208-181902.jpg

4. Rút tiền qua ATM
Tờ Rupiah có mệnh giá lớn nhất là 100.000
Có hai loại máy ATM dành cho thẻ quốc tế : Loại chỉ có tiền 100.000 rupiah và loại chỉ có tiền 50.000 rupiah
Mỗi máy cho rút tối đa 30 tờ
Nghĩa là nếu bạn rút tiền từ máy 50.000R bạn chỉ có 1,5trR, có thể không đủ và bạn phải rút thêm, phải trả phí ngân hàng nhiều hơn. Đáng tiếc là loại máy này chiếm đa số. Nhưng nếu bạn đi ngắn ngày và không quan trọng phí rút tiền thì không sao:)
Các máy có tiền mệnh giá 100.000 R chủ yếu có ở Kuta, Denpasar và Ubud. Mình chỉ rút tiền từ ngân hàng CIMB NIAGA, và mình biết các vị trí sau:
– Tại Ubud: có ATM của CIMB NIAGA nằm trên Jalan (đường) Raya Ubud, phía bên trái nếu đi về hướng chợ Ubud
– Denpasar: ATM của CIMB NIAGA nằm trên Jalan Veteran
Có nhiều vùng khác không có ATM, nên bạn cần để ý rút tiền ở 3 điểm trên trước khi đi nhé

20121211-235235.jpg

5. Phương tiện di chuyển
a. Xe hơi
Ít thấy hãng taxi chính thức ở Bali, hầu hết là các tài xế tư nhân tự hoạt động. Đi ngoài đường bạn sẽ thấy họ cầm bảng “transport” và mời mọc tới tấp. Bạn cũng có thể thuê xe để tự lái nữa.
– Giá đi từ sân bay Ngurah về trung tâm Kuta khoảng 50.000 rupiah
– Giá đi từ sân bay về Ubud dao động từ 150.000- 200.000rupiah
– Giá đi từ Kuta về Ubud khoảng 150.000 -200.000 rupiah
– Giá thuê một xe tự lái dao động từ 200.000 – 500.000 rupiah/ngày (tuỳ loại xe)
…tuỳ vào khả năng trả giá của bạn
Thuê xe đi chơi bạn nên liên hệ từ khách sạn, nhà nghỉ nơi bạn ở vì họ có tài xế riêng hoặc họ sẽ giới thiệu những tài xế tốt, giá tốt, an toàn hơn là bạn kêu xe ở bên ngoài. Đa phần các nhà nghỉ khách sạn ở Bali đều có khách quen hàng năm, do đó họ sẽ giúp đỡ bạn rất nhiều để bạn còn quay lại vào những năm sau

b. Xe đạp:
Xem phim Ăn, Cầu nguyện, Yêu các bạn sẽ thấy nhân vật nữ đạp cái xe thật cổ điển, duyên dáng. Nhưng mà chỉ để đi vòng vòng ở mấy khu phố nhỏ ở các trung tâm thì được, còn nếu đi các khu khác có lẽ cô ấy phải dắt bộ hơi nhiều. Dốc, đồi, đồi và dốc lên xuống giống như chơi rolling coaster:) Vì vậy các tiệm cho thuê xe đạp hầu như chỉ có loại xe thể thao 7 gear (nhờ vào 3 mức điều chỉnh ở tay trái, bạn có thể có 21 tốc độ khác nhau) giá cho thuê dao động từ 20.000-30.000 rupiah/ngày
Xe đạp rất tuyệt để dạo quanh các ngôi làng, vi vu qua mấy cánh đồng êm ả hoặc bạn có thể dùng nó để đi thăm các thắng cảnh xa xôi khác, thử thách lòng kiên nhẫn và sức bền của bản thân.

c. Xe máy:
Phương tiện thân quen và thuận tiện cho các bạn trẻ yêu phượt nhỉ? Loại xe máy thông dụng ở Bali là xe Vario của hãng Honda, giống y chang xe Click ở Việt Nam mình. Xe này đủ mạnh để đi đường trường. Giá thuê xe theo ngày là 30.000-50.000 rupiah, theo tháng là 500.000 rupiah/tháng. Người chủ sẽ giao cho bạn một bản copy chứng nhận sở hữu (?), bạn sẽ phải trình cái này nếu cảnh sát hỏi thăm (nghe ghê quá)

Nhưng cái quan trọng nhất để đi xe là bạn phải có bằng lái quốc tế. Cảnh sát giao thông (CSGT) Bali rất thích huýt còi chặn người đi đường tìm lỗi, tìm cách doạ phạt để nhận hối lộ (thấy quen quen hả), đặc biệt là đối với người nước ngoài. Trên xa lộ, đường lớn hễ cứ thấy mắt xanh mũi lõ đi xe máy thế nào họ cũng ngoắc vào lề. Người Việt Nam tuy da vàng mũi không lõ (hi hi) nhưng nếu có dáng dấp phượt phượt không giống Bali thì cũng có nguy cơ cao lắm. Nếu không có bằng lái họ sẽ doạ đưa xe về đồn, giữ giấy tờ…v.v.. Và sau đó là gợi ý nộp tiền trực tiếp cho họ thì ok, khoảng 50 dollar gì đấy. Do đó, tốt nhất là có bằng lái và đi xe đúng luật bạn nhé! Còn làm thế nào để có bằng lái Quốc tế thì mình sẽ có một bài riêng, không phức tạp đâu.

Trong trường hợp bạn có đầy đủ bằng lái, giấy tờ xe, đội mũ bảo hiểm cẩn thận, đi xe đúng luật thì một số cảnh sát sẽ giả bộ nghiêng ngó cái xe, phán là đèn xe bạn không đủ sáng, phanh không tốt, giấy xe hết hạn và gợi ý bạn nộp tiền hoặc doạ đưa bạn về đồn. Bạn không nên quá sợ mà đưa tiền, cứ bảo xe này tôi thuê, tôi không biết các vấn đề đó, và đưa cho họ số điện thoại của chủ xe để nói chuyện. Gần 100% họ sẽ cho bạn đi :) Họ chỉ có ý định lấy tiền từ các khách du lịch không muốn rắc rối, nộp tiền cho yên chuyện thôi.

Chiều đi xe theo kiểu Anh, đi ở bên trái.

Đổ xăng: các trạm xăng được thiết kế thông minh và thuận tiện: chia rõ khu vực dành cho xe máy và ô tô. Người ta thiết kế lối vào đổ xăng dành cho xe máy hẹp, chỉ đủ chỗ cho một xe. Do đó, dù không muốn cũng phải sắp hàng chờ đến lượt, tránh được tình trạng chen chúc lộn xộn thường thấy ở các cây xăng Việt Nam. Mình được lưu ý là yêu cầu đổ xăng theo tiền (10.000 rupiah là đầy bình), không kêu đổ xăng theo lít, hoặc bảo đầy bình, vì có thể sẽ có gian lận, không biết có phải vậy không?

6. Nhà nghỉ, khách sạn:
Không khó để tìm nhà nghỉ khách sạn ở Bali. Nghĩa là không đến mức phải đặt phòng trước qua các trang web như booking.com hay agoda.com v.v… Giá phòng ở các trang này mắc hơn nhiều so với giá thật, bởi vì chủ nhà nghỉ khách sạn phải trả phí và hoa hồng cho các website này. Ví dụ như một người bạn của mình đi nghỉ tại Tabana, cô ấy trả 200.000 rupiah/đêm trong khi đó một người khách Nhật book trước qua mạng phải trả đến 50 dollar/đêm.

Bạn có thể bay đến Bali, lang thang một chút là có phòng ở ngay. Giá một phòng tươm tất, sạch sẽ, quạt máy, nước nóng, giường lớn trong mùa cao điểm là 200.000 -250.000 rupiah/đêm; mùa thấp điểm khoảng 100.000-150.000 rupiah/đêm. Nếu họ có hồ bơi thì mắc hơn một chút. Đôi lúc đồng giá với phòng máy lạnh. Dĩ nhiên là không thiếu những resort lộng lẫy tiện nghi với giá từ 300$-800$/đêm.

Mùa cao điểm là từ tháng 3-tháng 9 (đặc biệt vào tháng 7-8 người Úc sẽ ùn ùn kéo qua Bali, rất đông đúc)
Mùa thấp điểm từ tháng 10- tháng 2 ( mưa nhiều)

Nếu bạn lo lắng không có phòng mùa cao điểm, bạn cũng có thể book qua mạng nhưng tốt hơn là website trực tiếp của resort, nhà nghỉ, khách sạn. Một trang web thú vị để book phòng là airbandb.com. Rất nhiều người nước ngoài có nhà riêng để nghỉ tại Bali, họ sẽ cho thuê trong thời gian không ở đó. Giá sát thực tế và có lịch nêu rõ những lúc phòng trống.

7. Ăn uống:
Tạm gác những nhà hàng lớn sang trọng mắc tiền, những tiệm ăn Nhật Bản, Ý, Pháp…một bên, Bali có vô số hàng quán ngon miệng, hương vị vừa lạ vừa quen (văn minh lúa nước với nhau), giá bình dân (từ 10.000 rupiah-70.000rupiah), phong cách phục vụ hiền hoà, chân chất dễ thương

Các món ăn Indo hay gặp nhất là nasi goreng (cơm chiên), nasi campur (cơm thập cẩm), cap cay (rau xào), gado-gado (rau xào trộn xốt đậu phụng), pelecing kangkung (rau muống luộc kèm sốt cà chua đặc biệt)… Món đậm chất Bali là pepes ikan (cá ướp hỗn hợp gia vị Bumbur bọc lá chuối nướng), món sang trọng là Bebek bengil (con vịt bẩn – không biết tại sao họ gọi vậy :), chưa tìm hiểu) một kiểu vịt quay… Bạn chớ coi thường các warung (quán ăn) nhỏ nhỏ giản dị nhé, trong vậy nhưng lại rất nổi tiếng và ngon vô cùng:). Đừng quên thử các món ăn đường phố nhé (các loại bánh làm từ đậu xanh, đậu đỏ, bột gạo, nước dừa…). Ôi, đừng mang theo nước mắm hay mì gói vì sợ ăn không quen đồ ăn của người ta nhé, bởi vì bạn đang đi khám phá, cớ gì lại không khám phá luôn văn hoá ẩm thực:)

Nếu bạn ở Ubud vài ngày, mình khuyên bạn nên chọn khu vực Tebesaya (jalan Sukma) để trọ. Rất yên tĩnh và thể hiện rõ nhất cuộc sống thường nhật của văn hoá đạo Hindu. Ở đó có warung của Mama Badri, mà hầu như khách ba lô Nhật nào cũng ghé tới, bởi vì Mama và thức ăn ngon tuyệt của bà được đánh giá rất cao ở Lonely Planet Nhật. Ở đó có thể tình cờ bạn sẽ ngồi ăn với vài người nổi tiếng mà rất giản dị, mà qua chuyện trò làm quen bạn mới phát hiện ra…

8. Các điểm đến:
– Kuta: sôi động và bị thương mại hoá tối đa. Phù hợp để mua sắm, đi bar, cũng là nơi dân lướt sóng tìm đến. Với nhiều khách lữ hành, Kuta là thảm hoạ, là thất bại của Bali vì sự ồn ào, hào nhoáng của nó :) Thông thường người ta hay đến thăm đài tưởng niệm các nạn nhân vụ đánh bom năm 2002.
– Các ngôi đền:
Uluwatu – ngôi đền trên vách đá ở Jimbaran
Goa Gajah – elephant cave gần Ubud
Ulum Danu Bretan- ngôi đền bên hồ ở Bedugul
Đền Tanah Lot
Đền dơi Gua Lawah ở Padang Bai
– Ubud: trung tâm của nghệ thuật, điêu khắc, hội hoạ, các điệu nhảy truyền thống, điểm đến của các nhà văn, hoạ sĩ, yogi.. Nổi tiếng thế giới với các trung tâm yoga và thiền
– Ngôi làng cổ Tanganan tại Candidasa
– Lặn biển ở Padang Bai, Candidasa, ngắm cá heo ở Amed, Lovina
– Thăm hồ Batur và núi lửa Batur
– Leo và khám phá núi lửa Batur và Agung
– Xem các buổi rước lễ của người Bali tại các ngôi đền trung tâm các làng
… Và rất rất nhiều nơi hay ho thú vị khác bạn sẽ tình cờ phát hiện ra trên đường đi hoặc qua câu chuyện của các người bạn Tây balo mới quen dọc đường :)

9. Mua sắm:

Bali nổi tiếng với đồ thủ công mỹ nghệ (đồ trang trí chạm khắc từ gỗ, trái dừa, xương bò, đồ bạc, vải batik, tranh vẽ, vòng tay chuỗi hạt…). Để mua sắm đa phần người ta tập trung về:

– Kuta, Denpasar: nơi tập trung các shop hàng hiệu
– Ubud: chợ trung tâm Ubud có tất cả hàng mỹ nghệ
– Tampak Siring: sản phẩm thêu móc
– Chợ thủ công mỹ nghệ Sukawati: tuyệt vời để đi mua đồ làm quà, giá rẻ hơn các nơi còn lại rất rất nhiều

Dù mua ở đâu, đặc biệt ở các chợ, bạn phải dũng cảm trả giá nhé, giảm phải 70% đấy. Mình mua cái áo ở chợ Ubud, giá đưa ra là 165k rupiah, mình mua nó chỉ với 30k (vẫn còn hớ nghe bà con)

Khá là dài dòng, nhưng mà mình vẫn còn thấy thiếu thiếu gì đó. Hy vọng là hữu ích chút chút. Nếu bạn nào có kinh nghiệm gì hay hơn thì góp ý nghe… Mình vẫn mong được gặp bạn Việt Nam ở Bali:)